Kinh nghiệm nuôi cá chép lai mà bạn không nên bỏ qua
Cá chép lai V1 là loài cá có 3 dòng máu (cá chép trắng Việt Nam, cá chép vảy Hungary, cá chép vàng Indonesia). Với chất lượng thịt ngon, khả năng chống lại các loại bệnh tốt, cá chép lai V1 đang được nuôi phổ biến và có giá trị kinh tế cao. Để đảm bảo được chất lượng nuôi và bán, các bạn nên tham khảo những kinh nghiệm nuôi cá chép lai dưới đây của chúng tôi.
Đặc tính sinh học của cá chép lai
Cá chép lai V1 sống ở tầng đáy, chúng là loài ăn tạp không những thế cá chép lai V1 còn có được những đặc điểm di truyền nổi bật của 3 loại cá chép được lai tạo: thịt thơm ngon, khả năng chống chịu, thân hình đẹp ngắn và cao, đầu nhỏ, tốc độ tăng trọng lượng nhanh, đẻ sớm và trứng ít dính,…
Kinh nghiệm nuôi cá chép lai
Chuẩn bị bể, ao nuôi
Từng hộ gia đình sẽ có cách nuôi, điều kiện chọn lựa bể khác nhau. Sau đây là một số bể nuôi phổ biến:
Chi tiết cách thiết kế nuôi lồng bè
- Chọn vị trí: thông thoáng, ít tàu thuyền qua lại, không bị ảnh hưởng bởi chất thải công nghiệp và xa khu dân cư, thuận lợi cho việc giao thông, cho ăn, chăm sóc và thu hoạch.
- Mực nước sâu từ 3m trở lên, đáy lồng cách đáy sông ít nhất 0,5m. Nước chảy chậm, lưu tốc từ 0,2-0,3m/giây.
- Độ pH: từ 6,5 đến 8,5; oxy hoà tan>5mg/lít; NH3<0,01mg/lít; H2S<0,01mg/lít
- Nhiệt độ: từ 20 đến 330 °C
- Đóng bè:
Mua thùng phi
Lựa chọn kích thước tùy thuộc vào nhu cầu của người nuôi: 16m² (4×4), 25m² (5×5), 30m² (5×6),…
Lưu ý :
- Lồng có diện tích không quá 0,2% diện tích khu vực neo lồng, đặt theo từng cụm , mỗi cụm nhiều nhất là 15 lồng, khoảng cách giữa các cụm lồng cách nhau từ 200 đến 300m.
- Mua lưới để bao các mặt ngoài ( lớp lưới chắn cao 0,5 m để ngăn thức ăn trôi ra ngoài. )
- Mua sắt, tre hoặc gỗ để khiến lồng chắc chắn hơn
- Xây nhà chài trên bè
Chi tiết cách làm bể xi măng, bể lót bạt
- Tùy vào điều kiện và nhu cầu nuôi để chọn kích thước, hình dạng bể. Tuy nhiên nên ưu tiên chọn bể hình chữ nhật (dễ kéo lưới khi thu hoạch) và kích thước bể có thể 4m² (2×2), bể 6m² (3×2),…
- Mực nước trong bể từ 0,6m đến 1m.
- Nguồn nước sạch sẽ, an toàn dễ dàng cung cấp lúc cần và thay nước
Bể xi măng
- Ưu điểm: Sử dụng lâu dài, bền chắc, dễ thay nước.
- Khuyết điểm: Tốn kém kinh phí, giá thành để chuẩn bị bể cao.
Bể lọt bạt
- Ưu điểm: Giá thành rẻ, dễ làm,dễ di chuyển.
- Khuyết điểm: Khi thay nước gặp khó khăn, dễ bị rách.
Lưu ý: Tùy vào điều kiện, mục đích của từng hộ gia đình mà chọn lựa bể phù hợp tuy nhiên nếu các bạn muốn nuôi lâu dài, phát triển lớn thì nên ưu tiên chọn bể xi măng.
- Độ pH: từ 6,5 đến 8
- Nhiệt độ: từ 8 đến 39,5°C
Cách làm ao, hồ
- Diện tích thích hợp từ 1000 đến 5000 m².
- Mức nước trong ao từ 1m đến 1,5m.
- Chọn lựa nơi có thể cung cấp được nguồn nước sạch để đào ao
Khi bạn sử dụng cách nuôi bằng ao thì sẽ xuất hiện 2 vấn đề sau:
Ao cũ
Xả cạn nước trong ao, vét bùn, lấp cống, bắt hết cá cũ, dọn dẹp sạch cỏ, đốn cây xung quanh, tiến hành xây dựng lại bờ đê. Sau đó bón vôi ( 7 đến 10kg/ 100 m²), san bằng đáy ao và phơi đáy ao tầm 2 đến 3 ngày để tiêu diệt các mầm bệnh còn sót lại. Sau tẩy vôi 3 – 5 ngày, tiến hành bón lót bằng cách rải đều phân chuồng khắp ao ( từ 20 đến 30kg )và 50kg lá xanh cho 100m² (loại lá cây thân mềm để làm phân xanh). Có thể lấy lá xanh băm nhỏ rải đều khắp đáy ao, vùi vào bùn hoặc bó thành các bó nhỏ từ 5 đến 7 kg dìm ở góc ao.
Lấy nước vào ao ngâm 5 đến 7 ngày, vớt hết bã xác phân xanh, lấy nước tiếp vào ao dùng lưới lọc nước có kích thước mắt lưới từ 0,5 – 1mm để ngăn ngừa tạp chất, vi khuẩn
Ao mới
Cho nước ngâm tầm 5 đến 7 ngày sau đó rửa lại nhiều lần để loại bớt phèn có trong ao, kiểm tra lại lỗ rò rỉ, đầm nén thật kỹ rồi tiến hành bón vôi, bón phân, lấy nước qua lưới lọc.
Cách chọn con giống và thả chúng
Mua cá
- Mua cá ở những trại giống uy tín
- Mua cá giống phải đảm bảo cá đồng đều cùng kích thước (4 đến 6cm). Quan sát vào việc cá bơi lội, nhanh nhẹn, da không bóng nhờn và vảy không bị trầy xước để có thể chọn giống tốt nhất.
Mật độ thả cá
- Ở giai đoạn cá nhỏ: 200 đến 300 con/ 1m²
- Ở giai đoạn cá lớn: 100 đến 200 con/ 1m²
Giảm dần mật độ thả cá khi cá lớn, tránh trường hợp cá lớn ăn cá bé vì thiếu thức ăn.
Thả cá
- Thả cá vào sáng sớm ( 7h,8h ) và chiều tối ( 4h,5h ).
- Để phòng ngừa cá bị bệnh ngoại ký sinh trước khi thả cá ta nên tắm cho cá bằng nước muối trong 3 đến 5 phút. Khi thả cá nên ngâm bao trong nước ao khoảng 10 đến 15 phút để giúp cá thích nghi được với nhiệt độ nước, sau đó mở miệng bao để có tự bao ra ngoài.
Lưu ý: Cá giống mua từ năm cũ nên thả vào tháng 2,3; cá giống mua trong năm nên thả vào tháng 5,6 hoặc tháng 10,11
Thức ăn chủ yếu của cá chép lai
Cá chép lai là loài cá ăn tạp vì vậy thức ăn của chúng cũng khá phong phú, ví dụ như:
- Các loại động vật xay nhuyễn trộn với chất kết dính hoặc dùng thức ăn công nghiệp.
- Có thể dùng loài động vật nguyễn thể nhỏ : trai, mùn bã hữu cơ, ốc, tép,…
Quy trình quản lý và chăm sóc cá chép lai
Cách cho ăn
Ngày đầu tiên nuôi cá không cho cá ăn. Bắt đầu từ bữa thứ 2 cho cá ăn ít và điều chỉnh tăng dần lên vào những bữa sau.
- Cá nhỏ: 1 ngày 3 bữa ăn
- Cá lớn: 1 ngày 2 bữa ăn
Lưu ý: Khi cho cá ăn có thể trộn vào thức ăn vitamin C và men tiêu hóa như thế có thể giúp cá phát triển và dễ tiêu hóa thức ăn. Nên cho cá ăn trong những thời gian nhất định và điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp với kích thước của cá.
Cách thay nước ( nuôi bể xi măng, bể lót bạt )
- Thay nước trước khi ăn và sau khi cho ăn 30 phút
- Khi thay nước bơm ⅓ nước cũ ra thì bơm ⅓ nước mới vào. Vừa xả nước vừa thay nước mới cho đến khi bể đầy (không thay nước đột ngột cá dễ bị sốc nhiệt).
Thu hoạch
Nuôi cá từ 4 đến 5 tháng khi cá đạt trọng lượng khoảng 0,6 đến 0,8kg/ con thì có thể thu hoạch. Trước khi thu hoạch nên ngừng cho cá ăn khoảng 1 đến 2 ngày. Lúc thu hoạch giảm mực nước trong ao xuống 1/3, dùng lưới kéo cẩn thận tránh để cá sặc bùn và trầy xước.
Một số bệnh thường gặp phải của cá chép lai
Bệnh xuất huyết
Biểu hiện bệnh: Vây và đuôi cụt dần, vảy tróc, cơ thể bầm tím, tơ mang bị xơ rách, ruột chướng hơi xuất hiện các bong bóng khí bên trong ruột gan hay mật sưng lên.
Cách điều trị
- Xử lý nước trong ao bằng những chế phẩm sinh học ( Biodine hoặc Vicato ) với liều lượng 1 lít/ 3000 đến 5000 m³ nước ao nuôi.
- Lúc cho ăn trộn một số kháng sinh (Amoxicillin, Sulfamid, Bioglan). Cho ăn trong 5 đến 7 ngày (ngày thứ 2 nên giảm 1 nửa liều lượng của ngày đầu tiên ).
Bệnh virus mùa xuân trên cá chép lai
Biểu hiện bệnh: Da sẫm màu, mắt bị lồi, mang có màu nhạt có hiện tượng xuất huyết điểm ở da và mang, xoang bụng có dịch, ruột và tụy sưng to có xuất huyết ở bong bóng.
Cách điều trị:
Đây là bệnh nhiễm khuẩn khi xuất hiện bệnh phải khử trùng ao
Trộn thuốc kháng sinh cho cá ăn trong 5 đến 7 ngày
Lưu ý : Sử dụng kháng sinh diệt khuẩn gram âm đủ liều, kháng sinh phải được bao bọc cẩn thận để cá có thể ăn tránh việc có chưa ăn kháng sinh đã tan mất ( liều lượng kháng sinh từ 50 đến 70 mg/kg cá/ ngày).
Sau khi ngừng sử dụng kháng sinh 3 đến 5 ngày cần bổ sung chế phẩm sinh học nhằm gây lại vi sinh có lợi để cân bằng môi trường nuôi.
Một số lưu ý khi nuôi cá chép lai
- Nếu bạn chọn nuôi trong lồng bè thì xung quanh bè thả một số lục bình bên ngoài để hạn chế sóng đánh khi tàu thuyền qua lại.
- Chú ý vào việc thay đổi thức ăn, lượng thức ăn, thời gian cho ăn vì thay đổi quá đột ngột cá sẽ không thích ứng kịp.
- Khi thời tiết thay đổi nên điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp.
Bài viết được thu nhập và đúc kết từ kinh nghiệm nuôi cá chép lai của các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản. Hi vọng với kinh nghiệm trên sẽ giúp các bạn nuôi tốt loài cá này. Chúc các bạn thành công với mô hình này.