Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá sam đạt hiệu quả chất lượng cao
Cá Sam hiện nay được nuôi khá phổ biến vì tính cách dễ thương, thông minh, thường xuyên tương tác với chủ nuôi và ăn khoẻ. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công trong việc nuôi cá Sam làm cảnh vì loài đòi hỏi những điều kiện về môi trường sống cao và thức ăn chuyên biệt. Do đó, trong bài viết dưới đây chúng tôi sẽ chia sẻ cho bạn kinh nghiệm nuôi cá Sam hiệu quả nhất.
Đặc tính sinh học của cá sam
Cá Sam hay còn được gọi là Cá đuối nước ngọt. Loài cá này có họ hàng với cá đao (Sawfish) và cá mập. Cá Sam có bộ xương bằng sụn, thân dẹt với đuôi dài, mảnh, có gai hình răng cưa và chứa nọc độc. Đây là điều cần lưu ý khi bạn chọn nuôi cá Sam. Mặc dù có nhiều kích cỡ khác nhưng hầu hết cá Sam trưởng thành đều rất lớn, các con nhỏ cũng đã có đường kính lên tới 30cm.
Kinh nghiệm về mô hình nuôi cá sam đạt hiệu quả cao
Cách chọn bể lý tưởng để nuôi cá sam
Kích thước bể nuôi cá lý tưởng
Bạn cần một bể cá chứa được tối thiếu 280L nước cho cá Sam nhỏ và bể chứa 680L cho cá Sam trưởng thành. Vì đây là loài cá có kích thước lớn nên bể nuôi cá càng lớn càng tốt. Bể không cần quá cao nhưng ít nhất phải dài hơn 180cm và rộng hơn 60cm.
Quy chuẩn về nước trong bể nuôi cá
- Nhiệt độ nước trong bể nuôi cá nên được duy trì ở mức 25-32℃.
- Độ pH của nước nằm trong khoảng 6,8 đến 7,6.
- Độ kiềm từ 18ppm đến 70ppm.
- Mức amoniac và nitrit phải luôn bằng 0 và nitrat dưới 10 ppm, vì cá Sam rất nhạy cảm với amoniac, nitrit và nitrat.
Cách chọn con giống tốt
- Nên chọn con cá Sam mình dày, khỏe mạnh, năng động và háu ăn.
- Tránh những con bị dị tật, xước xát hoặc trông lừ đừ.
- Nên chọn nuôi con cái vì con đực thường hiếu chiến hơn.
Thức ăn ưa thích của cá sam
- Cá Sam là loài ăn thịt, chủ yếu là cá và động vật giáp xác nhỏ. Món ăn yêu thích của cá Sam là trạch. Tuy nhiên bạn nên thường xuyên thay đổi các món ăn như tôm sống, giun, cá nhỏ, sâu,… để đảm cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cá Sam.
- Thức ăn dành cho cá Sam nên được cắt nhỏ, bỏ xương và râu nhọn.
- Cá Sam ăn rất khoẻ vì vậy thức ăn nên được chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
Quy trình quản lý và chăm sóc cá sam
- Trang trí bể nuôi bằng lớp cát mịn dưới đáy, vì cá Sam rất thích vùi mình trong cát. Nên dùng loại cát mịn để tránh làm cá bị thương.
- Bạn cần thay nước thường xuyên để đảm bảo chất lượng nước trong bể nuôi. Cá Sam thải ra một lượng lớn amoniac vì vậy bạn sẽ cần một bể lớn với hệ thống lọc sinh học hiệu quả. Nước cần được thay hàng tuần, nên thay từ 25-50% nước trong bể.
- Cá Sam nhạy cảm với Clo trong nước máy, vì vậy hãy nhớ xử lý nước trước khi cho vào bể nuôi.
Một số bệnh thường gặp ở cá Sam.
Có 2 nguyên nhân chính gây bệnh cho cá Sam là nguồn nước và thức ăn.
- Nguồn nước không đủ sạch, không duy trì được nồng độ amoniac và nitrat có thể dẫn đến tình trạng cá Sam bị ngộ độc. Bạn cần phải thay nước ngay lập tức, sử dụng các dung dịch khử độc và muối để điều trị cho cá Sam.
- Ngoài ra, cá Sam thỉnh thoảng cũng có thể bị sốc nước. Tình trạng này diễn ra khi bạn thay nước quá nhiều hoặc thả cá vào bể không đúng cách. Bạn cần giảm áp lực cho cá bằng cách đặt cá Sam vào khay to có lỗ thoáng và nhấc lên khỏi mặt nước.
- Thức ăn hỏng, ôi thiu, không đảm bảo chất lượng có thể khiến cá Sam bị bệnh về đường ruột. Nếu bạn thấy cá có dấu hiệu đuôi và mép của cá cong lên, tụ huyết ở miệng và phần dưới sưng, bạn cần hỏi ý kiến của các chuyên gia hoặc các nhà nuôi cá cảnh chuyên nghiệp để có cách điều trị kịp thời.
Những lưu ý đặc biệt khi nuôi cá Sam.
- Vì gai nhọn ở đuôi cá Sam có độc nên bạn đặc biệt cẩn thận khi chăm sóc cá Sam.
- Để tránh làm hại đến cá Sam, bạn không nên nuôi cá Ong, cá Rồng Cửu Sừng, Cá Phi Phụng, cá Chuột Mỹ cùng bể với cá Sam.
- Thường xuyên kiểm tra nồng độ pH trong nước để đảm bảo điều kiện sống tốt nhất cho cá Sam.
Để nuôi cá Sam không chỉ đòi hỏi về mặt kiến thức, mà còn là thời gian, không gian và tâm huyết. Mong rằng với những kinh nghiệm mà tôi đã chia sẻ trên đây có thể giúp ích cho quá trình nuôi cá Sam của bạn. Chúc bạn thành công với mô hình nuôi cá sam.