Chia sẻ mô hình nuôi cá nâu chất lượng tại Việt Nam
Vùng đất miền Tây với ao hồ, kênh rạch chằng chịt, sở hữu nhiều cửa sông lớn, vùng biển trù phú,… Đó chính là ngôi nhà phù hợp với cá nâu nước ngọt lẫn nước mặn. Vốn là đặc trưng của vùng đất mũi, liệu bạn đã tìm được mô hình phù hợp với loài cá lành tính này chưa? Hãy cùng xem ngay bài viết dưới đây để có thêm những kinh nghiệm về mô hình nuôi cá nâu trong ao nước lợ chất lượng tại Việt Nam.
Đặc tính sinh học của cá nâu
Cá nâu cũng đặc biệt như cái tên của nó vậy. Với hình dáng có dạng tròn dẹt, lưng hình vòm, bụng phình to và khoác lên mình màu vàng nhạt, có chấm nhiều nốt đen giống da beo. Ngoại hình bắt mắt nên cá nâu còn được nuôi làm cảnh. Món ăn yêu thích của chúng là các loại tảo, rong rêu, thực vật dưới nước nên luôn giữ được độ ngọt thịt, mùi thơm béo và dinh dưỡng. Vì vậy, cá nâu luôn là đối tượng triển vọng được nuôi với số lượng lớn, người dân thường nuôi cá chuyên canh hoặc xen với loài khác.
Chi tiết mô hình nuôi cá nâu hiệu quả
Cách chọn và chuẩn bị ao nuôi
Lựa ao nuôi chất lượng
- Tùy vào số lượng cá mà chọn diện tích ao từ 2000-5000m2
- Nguồn nước phải sạch sẽ và đảm bảo việc thay nước cho cá đúng tiến trình với độ sâu mức nước từ khoảng 1,5 – 2m
- Vì cá nâu là loại ưa mặn nên cần lắp đặt các thiết bị với độ mặn từ 5 – 20‰.
- Bờ đê phải được xây chắc chắn, không bị rò rỉ, chất đất dưới đáy ao là bùn cát hoặc cát bùn, có cống cấp và tháo nước riêng.
Quy trình cải tạo lại ao cũ
- Tháo cạn nước , xử lý saponin 12g/ m2nước diệt hết tôm cá tạp.
- Bón vôi với lượng bón 5kg/100m2. Đáy ao được phơi nắng 5 ngày cho đến khi đáy ao nứt nẻ.
- Tiến hành gia cố bờ, nén kỹ để chống mọi rò rỉ và sạt lở. Bờ ao cao hơn mực nước triều ít nhất là 0,5m.
- Trong ao đào các mương sâu 0,3 – 0,5m xung quanh và cách bờ 0,5m tạo nhiều gờ bên trong đáy ao để làm nơi trú ẩn cho cá.
- Lấy nước qua lưới lọc vào ao, mức nước là 1m. Bón phân vô cơ (NPK) để gây màu nước, liều lượng 2 kg/1000m2
- Làm chà trộ nhỏ ở trong ao tạo nơi ẩn nấp cho cá nâu. Số lượng chà trộ từ 4 cái/ 3000m2ao, vật liệu nè tre.
Thức ăn của cá nâu
- Nên dùng lượng thức ăn công nghiệp dành cho tôm độ đạm > 28%.
- Cần phải chia lượng thức ăn trong ngày từ: 10 – 3% trọng lượng thân.
- Cách cho ăn: Ngày 2 lần sáng 7- 8 giờ và chiều 5- 6 giờ.
Quy trình quản lý và chăm sóc cá nâu
- Định kỳ 10 ngày/lần bón bổ sung thêm phân NPK 0,1- 0,2kg/100m2ao để tạo thức ăn tự nhiên trong ao nuôi.
- Thường xuyên kiểm tra độ pH, nhiệt độ, độ mặn trong ao để ổn định chất lượng nước phù hợp cho cá nâu sinh trưởng tốt. Định kỳ kiểm tra trọng lượng cá nâu hàng tháng để điều chính thức ăn cho phù hợp.
- Định kỳ 15 ngày/lần kiểm tra các yếu tố môi trường pH, nhiệt độ, độ mặn,…
- Mực nước ao nuôi cá luôn phải đảm bảo độ sâu trên 1m, độ trong 25 – 40cm.
Thu hoạch cá nâu
- Khoảng 8 tháng kích cở cá thương phẩm đạt 150 – 200g/con tiến hành thu hoạch để bán.
- Nên thu vào lúc trời mát, tránh gây ảnh hưởng cá còn lại trong ao.
- Lựa chọn thời điểm phù hợp để mang lại giá trị kinh tế cao.
Mô hình nuôi cá nâu chung với tôm sú
Ngoài cách nuôi chuyên canh, chúng ta có thể nuôi cá nâu chung với tôm sú. Đây là mô hình thủy sản đan xen tạo được lợi nhuận kép trên một đơn vị diện tích sản xuất. Không xảy ra dịch bệnh gây hại, có khả năng ứng phó trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến bất lợi và khai thác được tiềm năng. Với lợi thế đất ven biển để mở ra hướng phát triển mới của nuôi trồng thủy sản.
Với mô hình nuôi xen canh, chúng ta cũng có ưu và nhược điểm cho phương pháp này:
ƯU ĐIỂM:
- Mô hình có vốn đầu tư tương đối thấp, phù hợp với trình độ quản lí và tài chính của người dân.
- Quá trình nuôi cá nâu xen ghép với tôm sú rất thuận lợi, môi trường không bị ô nhiễm. Bởi vì, cá nâu ăn sạch lượng thức ăn thừa của tôm và rong rêu trong ao đầm, không xảy ra dịch bệnh gây hại tôm, cá lớn nhanh.
- Đem lại cho nông dân hai nguồn lợi cá nâu và tôm sú trên một diện tích, cùng thời gian. Và tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương.
NHƯỢC ĐIỂM:
- Nguồn giống cá nâu phụ thuộc vào thu gom ngoài tự nhiên, chưa chủ động được con giống, tỷ lệ hao hụt cao.
- Do đây là mô hình mới, bước đầu thử nghiệm nên gặp nhiều khó khăn, lúng túng về kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm thực tế, vừa làm vừa học và rút kinh nghiệm, giá cá nâu thương phẩm trên thị trường thấp…
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, người dân đã, đang áp dụng mô hình này và thu được một nguồn lợi lớn cùng với giá trị kinh tế cao, đem lại mức thu nhập ổn định cho gia đình.
Những lưu ý khi nuôi cá nâu
Tuy cá nâu là loài cá lành tính, dễ chăm sóc. Nhưng nếu bạn bất cẩn thì sẽ có những ảnh hưởng không hề nhỏ đến sự phát triển của cá. Vì vậy, chúng tôi đã cung cấp một số lưu ý sau:
- Để sinh tồn, bản thân cá cũng có một vũ khí tự vệ là những gai nhọn có nọc độc trên lưng và dưới bụng. Do đó, khi đánh bắt và chế biến nên tránh để bị thương.
- Nếu thời tiết xấu cần giảm lượng thức ăn, còn thời tiết đẹp cho ăn nhiều hơn. Quan sát quá trình ăn của cá, nếu thấy thức ăn thừa thì cần giảm lượng thức ăn sao cho phù hợp.
- Sau khi cá ăn xong phải dọn dẹp lại thức ăn dư thừa, tránh làm ô nhiễm môi trường nước.
Trên đây là tổng hợp kinh nghiệm và kĩ thuật về mô hình nuôi cá nâu mà chúng tôi đã nghiên cứu. Mong rằng qua đó bạn có thể rút ra được biện pháp cũng như có nền tảng trong quá trình nuôi cá. Mọi ý kiến đóng góp xin vui lòng để lại bình luận. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của chúng tôi. Chúc bạn thành công!